Nhiều người thường băn khoăn không biết thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp bao gồm những ai? Pháp luật điều chỉnh vấn đề này như thế nào? Cùng Viện Xây dựng tìm câu trả lời thông qua bài viết dưới đây.
>>> Xem thêm:
♦ Thời gian làm việc lý lịch tư pháp
♦ Tra cứu lý lịch tư pháp ở đâu như thế nào?

Thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp
Khái niệm lý lịch tư pháp là gì?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 2 Luật lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp chính là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án hay quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trạng thái thi hành án và cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ trong doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp trong trường hợp bị Tòa án tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.
Lí lịch tư pháp là là một loại tài liệu hay còn gọi là phiếu do Sở Tư pháp hay Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp, trên Phiếu lý lịch sẽ cung cấp các thông tin chứng minh một người có hay không có án tích, bản án, các quyết định xử phạt của Tòa án.
Như vậy, theo quy định pháp luật và trên thực tế, lý lịch tư pháp thường được dùng để:
- Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có được phép đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp;
- Hỗ trợ cho các hoạt động thống kê tư pháp hình sự và hoạt động tố tụng hình sự;
- Ghi nhận cá nhân được xóa án tích, tạo điều kiện để người đã bị kết án có thể bắt đầu lại cuộc đời, hòa nhập với cộng đồng, đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ khác;
- Giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong công tác quản lý nhân sự.
Phân loại lý lịch tư pháp theo quy định mới nhất
Theo quy định tại Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp, có 2 loại Phiếu lý lịch tư pháp:
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội để phục vụ trong công tác quản trị nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng như Tòa án, Viện Kiểm sát,… và cấp cho cá nhân theo yêu cầu của họ để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Việc xác định đối tượng được cấp lý lịch tư pháp sẽ giúp chúng ta hình dung được phần nào về thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp.
Thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp thuộc về ai?
Căn cứ theo Điều 44 Luật lý lịch tư pháp năm 2009 quy định về thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp như sau:
“Điều 44. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp
- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: a) Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; b) Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam.
- Sở Tư pháp thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trong các trường hợp sau đây: a) Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước; b) Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài; c) Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
- Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Giám đốc Sở Tư pháp hoặc người được ủy quyền ký Phiếu lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về nội dung của Phiếu lý lịch tư pháp.
Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
- Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được ghi vào sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định“.
Như vậy, thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc về hai cơ quan là Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp, cụ thể:
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia
Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia sẽ có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp trong những trường hợp sau đây:
- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc là nơi tạm trú;
- Người nước ngoài đã cư trú ở tại Việt Nam.
Sở Tư pháp
Sở Tư pháp sẽ có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp trong những trường hợp sau đây:
- Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
- Công dân Việt Nam mà đang cư trú ở nước ngoài;
- Người nước ngoài mà đang cư trú ở tại Việt Nam.
Trình tự, thủ tục cấp lý lịch tư pháp theo quy định hiện hành
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp chuẩn bị hồ sơ lý lịch tư pháp như sau:
– Tờ khai theo mẫu;
– Bản chụp giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp;
– Bản chụp sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Công dân Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;
– Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;
– Cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 01 để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Lưu ý:
– Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật. Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.
Bước 3: Nhận kết quả
Sau khi đóng phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, công dân nhận giấy hẹn cấp phiếu và đến nhận kết quả theo thời gian ghi trong giấy hẹn.
Ngoài cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tiếp, công dân có thể xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến qua trang https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home của Bộ Tư pháp bằng cách làm theo hướng dẫn trên trang.
Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp hoặc người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì gửi văn bản yêu cầu đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.
Trong trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng có thể yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua điện thoại, fax hoặc bằng các hình thức khác và có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện như quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nêu trên. Tuy nhiên, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp phiếu.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về những thông tin xoay quanh vấn đề lý lịch tư pháp cũng như thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích đối với bạn.